Trĩ là một bệnh thường gặp với các triệu chứng như chảy máu, sa và ngứa. Vì có nhiều bệnh khác gây ra những triệu chứng tương tự, cần khám trực tiếp ống hậu môn như soi ống hậu môn hay soi đại tràng sigma.
Điều trị phụ thuộc vào mức độ bệnh trĩ. Trĩ độ 1, độ 2, trĩ ngoại có thể điều trị đơn thuần bằng nội khoa hay bằng các phương pháp điều trị ngoại trú không phẫu thuật. Trĩ độ 2 và trĩ độ 3 tương đối nhỏ có thể điều trị bằng các phương pháp không phẫu thuật.
Phẫu thuật chỉ định cho những bệnh nhân có trĩ độ 3 lớn hay trĩ độ 4, trĩ huyết khối hay trĩ nghẹt cấp tính, trĩ với thành phần trĩ ngoại lớn và có triệu chứng.
|
Các phương pháp cắt trĩ |
I. CÁC PHƯƠNG PHÁP CẮT TRĨ
1. Cắt khoanh niêm mạc:
Phẫu thuật Whitehead: Nguyên tắc là cắt khoanh niêm mạc và lớp dưới niêm mạc có các búi tĩnh mạch trĩ, sau đó kéo niêm mạc từ trên xuống khâu với da ở hậu môn. Phương pháp này hiện nay hầu như không được sử dụng vì để lại nhiều biến chứng nặng nề như hẹp hậu môn, đại tiện mất tự chủ và rỉ dịch ở hậu môn. Nhưng vì tính chất triệt để của phẫu thuật nên nhiều tác giả vẫn sử dụng nguyên tắc của phẫu thuật này nhưng cải biên lại để làm giảm các biến chứng, ví dụ phẫu thuật Toupet.
2. Cắt từng búi trĩ:
Nguyên tắc phẫu thuật này là cắt riêng biệt từng búi trĩ một, để lại ở giữa các búi trĩ các mảnh da-niêm mạc (cầu da niêm mạc). Nhóm phẫu thuật này gồm có PT Milligan Morgan (1937), PT Ferguson (1959), PT Parks (1965), PT BV Việt Đức (Nguyễn Đình Hối, 1966).
Nhóm phẫu thuật này gồm2 nhóm chính là:
- Cắt trĩ mở: PT Milligan Morgan , PT Nguyễn Đình Hối
- Cắt trĩ kín: PT Ferguson.
Nhóm phẫu thuật này tránh được các biến chứng của nhóm phẫu thuật cắt khoanh niêm mạc da, nhưng vẫn còn nhược điểm là đau sau mổ, thời gian nằm viện dài, thời gian trở lại lao động muộn và không hiệu quả trong các trường hợp trĩ vòng.
3. PT Longo (1993):
Sử dụng máy khâu vòng để cắt một khoanh niêm mạc trên đường lược 2-3 cm và khâu vòng bằng máy bấm. Nguyên tắc của phẫu thuật này là cắt và khâu khoanh niêm mạc, nhằm mục đích giảm lưu lượng máu đến đám rối tĩnh mạch trĩ để thu nhỏ thể tích trĩ và treo được đệm hậu môn vào ống hậu môn. Phương pháp này được ưa chuộng vì không đau, thời gian nằm viện ngắn, trả bệnh nhân về lao động sớm, nhược điểm này là chi phí cao, chưa được đánh giá đầy đủ về hiệu quả do thời gian theo dõi còn ngắn 15.
4. Khâu treo trĩ bằng tay:
Đây là phương pháp cải biên của phẫu thuật Longo ở các nước đang phát triển do giá thành cao của PT Longo . PT này đã được Ahmed M Hussein, Nguyễn Mạnh Nhâm, Nguyễn Trung Vinh, Nguyễn Trung Tín báo cáo ở các hội nghị. Phương pháp này cũng dựa trên nguyên tắc của phẫu thuật Longo là làm giảm lưu lượng máu đến búi trĩ để thu nhỏ thể tích khối trĩ và treo búi trĩ lên ống hậu môn bằng các mũi khâu tay khâu xếp nếp niêm mạc trên đường lược 2-3 cm. Phương pháp này chỉ mới được báo cáo sau năm 2001.
5. Khâu cột động mạch trĩ dưới hướng dẫn của siêu âm Doppler
Phương pháp này được Kazumasa Morinaga thực hiện lần đầu năm 1995, với một dụng cụ có tên là Moricorn, là một máy gồm một đầu dò siêu âm Doppler gắn liền trong một ống soi hậu môn, qua dụng cụ này tác giả dò tìm 6 động mạch, là những nhánh tận của động mạch trực tràng trên, và các nhánh động mạch này được khâu cột ở vị trí trên đường lược 2cm.
Nguyên tắc của phương pháp này là làm giảm lưu lượng máu đến các búi trĩ, chỉ áp dụng cho trĩ nội độ 2 và 3, ưu điểm của phương pháp này là không đau và bảo tồn được đệm hậu môn.
Phương pháp này cũng không giải quyết được các trường hợp trĩ nội tắc mạch và các trường hợp có mẫu da thừa.
II. SAU CẮT TRĨ
Đau sau mổ là một trở ngại lớn của phương pháp phẫu thuật cắt trĩ.
Các chiến lược để làm giảm đau khác gồm có giới hạn đường mổ, khâu cuống búi trĩ không cắt, cắt cơ thắt trong phía bên kết hợp với cắt trĩ ngoại, sử dụng metronidazole, gây tê tại chỗ vùng phẫu thuật, sử dụng thuốc làm giãn cơ thắt, thuốc chống lo lắng, thuốc kích thích phó giao cảm (tránh tiểu khó), nitroglycerin thoa tại chỗ. Tuy nhiên mỗi chiến lược đều có kết quả giới hạn và không rõ ràng.
Biến chứng sau cắt trĩ nhẹ nhưng thường gặp. Các biến chứng thường có tiểu khó (2%-6%), chảy máu (0,03- 6%), hẹp hậu môn (0%- 6%), nhiễm trùng (0,5- 5,5%), và mất tự chủ cơ thắt (2-12%), tổn thương cơ thắt (đánh giá bằng siêu âm và đo áp lực hậu môn) ở bệnh nhân sau cắt trĩ được lên đến 12%. Sử dụng các van kéo quá mức gây giãn quá rộng ống hậu môn có thể là nguyên nhân gây tổn thương và mất tự chủ. Cắt cơ thắt trong phía bên được đề nghị kết hợp với cắt trĩ, nhưng các nghiên cứu phân phối ngẫu nhiên không chứng minh được lợi ích của phương pháp. Thực tế các nghiên cứu này cho thấy tình trạng mất tự chủ gia tăng. Cắt trĩ cấp cứu cho những trường hợp trĩ nghẹt hay hoại tử có thể thực hiện an toàn, với kết quả đạt được tương đương như các trường hợp sau cắt trĩ chương trình.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét